Trên
tuyến đường vào Nam hay ra Bắc, khi qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai,
bất kể ai cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng
vĩ, uy nghiêm của núi Chứa Chan, ngọn núi được ví là “nóc nhà” của
miền Đông Nam Bộ. Tìm đến với không gian du lịch núi Chứa Chan là chúng
ta đang trở về với nơi phong cảnh hữu tình và là điểm đến
lý tưởng để sinh hoạt văn hoá truyền thống về nguồn.
Núi
Chứa Chan (hay còn gọi là núi Gia Ray hoặc núi Gia Lào) là một thắng
cảnh
hữu tình của huyện Xuân Lộc. Với độ cao trên 800m, hình dáng hùng
vĩ, thế núi cao chót vót, vách đá cheo leo và rừng rậm, với hàng ngàn
loại cây và muông thú, có suối chảy quanh năm…Vẻ đẹp của
núi được tạo nên bởi sự sáng tạo của thiên nhiên kết hợp với bàn tay
tạo dựng khéo léo của con người. Sự hài hoà của danh lam thắng cảnh núi
Chứa Chan, đặc biệt là chùa Bửu Quang – tuy không có
những nét điêu khắc độc đáo, những kiến trúc tinh xảo nhưng nhìn
tổng thể ngôi chùa toát lên vẻ thâm nghiêm kỳ vĩ, một di tích thiên tạo
hiếm có ở vùng Đông Nam Bộ.
Núi
Chứa Chan là một địa danh với nhiều chứng tích lịch sử đã đi vào ký ức
của biết bao thế hệ cư dân như một biểu tượng của quê
hương “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, núi Chứa Chan đã từng là căn cứ của Huyện uỷ và nhiều cơ
quan Chính Đảng của huyện Xuân Lộc và lực lượng vũ trang
của huyện, tỉnh Biên Hoà (đơn vị Chi bộ 10) và là nơi trú quân của
nhiều đơn vị bộ đội chủ lực.
Cây đa 3 gốc trên núi Chứa Chan.
Chùa
Chánh Giác hay còn gọi là Mật khu Hầm Hinh là trạm quân lương, kho hậu
cần, sở chỉ huy Chi bộ. Năm 1947, trên đường
công tác vào Nam, đồng chí Lê Duẩn đã lưu lại căn cứ ở Mật khu
Hầm Hinh và nói chuyện với cán bộ trong khu căn cứ về tình hình và nhiệm
vụ cách mạng, về đường lối kháng chiến và việc phát
động toàn dan đánh giặc. Trong kháng chiến chống giặc, chùa Bửu
Quang là trạm giao thông liên mật, nơi đây đã góp một phần quan trọng
vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân
năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Hằng
năm, tại chùa Bửu Quang thường có các lễ hội truyền thống và các hoạt
động văn hoá được tổ chức với những lễ chính
như: Lễ Thượng nguồn (dịp Rằm tháng Giêng); Lễ Trung ngươn (dịp
Rằm tháng Bảy); Lễ Hạ ngươn (dịp rằm tháng Mười)…Vào những dịp lễ, nhân
dân địa phương cũng như ở các tỉnh, thành phố lân cận
và miền Tây Nam Bộ…đến viếng chùa lễ Phật rất đông.
Cùng
với các di tích khác, di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan đã bổ
sung vào danh mục những thắng cảnh ở Đồng Nai,
những địa danh lịch sử quan trọng của chiến trường Nam Bộ trong
hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần làm nên
“Hào khí Đồng Nai”.
Hoàng hôn trên núi Chứa Chan
Núi
Chứa Chan đã, đang và luôn là điểm du lịch vô cùng lý tưởng, hấp dẫn
đối với du khách gần xa, là nơi sinh hoạt truyền
thống về nguồn rất có ý nghĩa. Du khách đến núi Chứa Chan sẽ
được trở về với sự tĩnh lặng, hữu tình trong lành, mát mẻ của thiên
nhiên, được viếng chùa cho lòng thanh thản, bình an, và quan
trọng hơn là để hiểu, để tự hào và trân trọng thêm những giá trị
truyền thống của nhân dân Miền Đông nói chung và Huyện Xuân Lộc nói
riêng.
Hiện
núi Chứa Chan là di tích lịch sử mới nhất đã được UBND tỉnh Đồng Nai
trao Quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử
cấp tỉnh, đây hứa hẹn là bước ngoặt để núi Chứa Chan có nhiều
điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển mở rộng và ngày càng thu
hút đông đảo khách tham quan du lịch xa gần tìm đến với
nơi phong cảnh hữu tình này.