Hành trình của những nguồn vui

Translate

Skype Me™!

Thông tin du lịch

GIAO LƯU VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG

Đà Lạt Đêm Giao Lưu Lửa Trại Xã Lát cùng các đồng bào dân tộc

I/ Xã Lát
Thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Lâm đồng. Đó là khu vực dưới chân đỉnh Lanbiang, một trong 3 ngọn núi cao nhất của cao nguyên Lâm Viên. Đây là một trong những bản làng của đồng bào dân tộc tây Nguyên còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống. Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những nét âm vang của núi rừng qua đêm lễ hội cồng chiêng, thưởng rượu cần cùng với thịt rừng nướng, xem các điệu múa cồng chiêng cùng những lời ca mang âm vang của núi rừng Tây Nguyên.
II/ Văn Hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên - Di sản phi vật thể của nhân loại
Nhạc cụ của các dân tộc tây Nguyên rất độc đáo, rất phong phú và đa dạng về nhạc cụ, về âm điệu, về chức năng. Có loại làm bằng kim loại và thời xa xưa còn có những bộ đàn đá. Có loại nhạc cụ phải gõ bằng tay hoặc dùi, có loại thổi hơi hoặc khảy bằng tay, có loại dùng 2 bàn tay vỗ vào nhau để tạo âm hưởng...
Nhiều nhạc cụ Tây Nguyên ngày nay đã được cả nước và thế giới biết đến như đàn Tơ rưng, Klông pút...trong đó có cồng chiêng. Vốn văn hoá âm nhạc Tây Nguyên ngày nay đang được khai thác góp phần làm giàu cho truyền thống văn hoá Việt Nam.
Ngày 25 - 11 - 2005, tổng giám đốc tổ chức văn hoá - khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) Koichiro Matsuura đã trân trọng trao bằng công nhận kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu "Văn hoá cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên - Việt Nam". Từ đây, tiếng nói tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đại ngàn đã được xác nhận và tôn vinh.
Cồng chiêng là một loại nhạc cụ được làm bằng hợp kim đồng. Thường, người thợ đúc cồng chiêng pha đồng với vàng, bạc hoặc đồng đen để chiếc cồng hoặc chiêng càng có thêm giá trị. Loại nhạc cụ này được làm với nhiều kích cỡ với đường kính từ 20 cm đến 120 cm, có núm hoặc không núm.
Cồng chiêng được dùng theo đàn với nhiều bộ. Một bộ cồng chiêng từ 20 - 20 chiếc, đảm nhận những chức năng riêng trong một bài hoà tấu. Dùng gùi để gõ vào cồng hoặc chiêng hay đấm bằng tay để tạo âm thanh  khi sử dụng. Trong một buổi biểu diễn cồng chiêng làm nhiệm vụ điểm nhịp, tạo tiết tấu giai điệu một bè hoặc  hoà tấu nhạc đa âm. âm thanh của cồng chiêng được phối hợp giữa những chiếc cồng "cha mẹ", cồng "con", cồng "cháu chắt" để làm thành thang âm điệu thức rất đặc biệt.
Về giá trị nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên có cả trên tính năng thông thường của một nhạc cụ bình thường chỉ phục vụ việc giải trí, hoặc những những loại nhạc cụ điện tử hiện đại. Âm thanh của nó truyền tải cả một nền văn hoá, lịch sử, nhận thức xã hội, là sợi dây vô hình để con người ký gởi tâm linh trước cõi người và cõi đời của các dân tộc Tây Nguyên. Âm nhạc Tây Nguyên gắn bó với đời sống của người dân Tây Nguyên từ khi sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời, trong các lễ hội, lễ mừng được mùa, cúng thần,đâm trâu,trong lễ cưới,lễ tang,lễ bỏ mả...không một lễ hội hay một nghi lễ đòi người nào của Tây Nguyên mà không nghe thấy thứ âm thanh mộc mạc này. Mỗi gia đình khá giả có đến vài bộ. Âm thanh của cồng chiêng là máu thịt của người Tây Nguyên, vang lên nơi nhà rông là trung tâm văn hoá của buôn làng, vang xa ngoài rẫy để tạo không khí hăng say lao động, vang trên rừng để tìm nên sức sống chinh phục đại ngàn...là chất dinh dưỡng nuôi sống tinh thần người dân Tây Nguyên và để Tây Nguyên tồn tại. Và, trong các sử thi của Tây Nguyên đều có bóng dáng của cồng chiêng.
Khi biểu diễn ở hình thức vòng tròng, các nghệ nhân, nghệ sĩ vừa đánh vừa di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái, ngược chiều kim đồng hồ là ngược chiều với thời gian, mang ý nghĩa ngược về nguồn cội. Cồng chiêng Tây Nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo của các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng sẽ thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội...
Ngày 25 - 11 - 2005 là một mốc lịch sử quan trọng và đáng tự hào cho đồng bào Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đây, tiếng nói tinh thân của đồng bào dân tộc nơi đại ngàn đã được xác nhận và tôn vinh, bởi vì âm thanh cồng chiêng không còn bó hẹp nơi địa phương núi rừng Tây Nguyên hay chỉ trong địa phận quê hương Việt Nam, mà còn vang xa, lan rộng và hoà nhập vào âm thanh của nền âm nhạc Di sản của nhân loại.

Tin Tức - Các Chương Trình Tour