Hành trình của những nguồn vui

Translate

Skype Me™!

Thông tin du lịch

Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương không mang trên mình nhiều huyền thoại như một số địa danh khác của Đà Lạt. Khi xưa, hồ chỉ là một con suối chảy giữa thung lũng, từ đó mà phát sinh tên gọi Đà Lạt - dòng suối của người Lạch. Năm 1919, kỹ sư công chánh người Pháp Labbé cho đào một cái hồ nhân tạo tại thung lũng mà con suối chảy qua và xây đập nước từ Thủy Tạ đến quán Hướng Đạo cũ. Đến năm 1923, hồ được mở rộng có tên là Grand Lac và lại xây thêm một cái đập nữa phía dưới tạo thành hai hồ. Sau cơn bão năm 1932, cả hai đập đều bị sập. Đến khoảng năm 1934 - 1935, người ta lại xây một cái đập đá lớn phía dưới và hồ Xuân Hương thành hình từ đó đến nay. Năm 1953, ông Nguyễn Vỹ - chủ tịch hội đồng thị xã Đà Lạt đổi tên từ Grand Lac do người Pháp đặt trước kia thành Xuân Hương - tên một nữ sĩ tài hoa, bà chú thơ Nôm nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ 19. Hồ Xuân Hương còn là bản làng của các dân tộc bản địa trước kia qua việc phát hiện ở đây những di chỉ của người xưa.

Đep lộng lẫy và dịu dàng, Hồ Xuân Hương là không chỉ là viên ngọc bích, mà còn là trái tim của thành phố Đà Lạt. Viền quan hồ là con đường nhựa láng tiếp nối với hàng loạt con đường khác từ khắp các nẻo của thành phố đổ về. Đây là hồ đẹp nhất nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, chu vi 5.000m, rộng khoảng 38ha, độ sâu trung bình là 1,5m, có hình dáng một mảnh trăng lưỡi liềm. Mặt hồ phẳng lặng, trong vắt tựa chiếc gương soi, chỉ gợn vài đợt sóng lăn tăn khi có cơn gió nhẹ thổi qua. Ven hồ, bờ cỏ xanh mượt điểm những cây thông tùng, anh đào, liễu rũ… xinh đẹp tạo thành một khung cảnh thơ mộng cuốn hút khách nhàn du. Cầu phía trên đập chỗ đi vào trung tâm thành phố có tên gọi là cầu ông Đạo, mang chức danh ông quản đạo người Việt đầu tiên ở đây là ông Phạm Khắc Hòe.
Trên bờ hồ, cách khoảng 300m về phía Tây Nam là quảng trường Hòa Bình cao rộng và sầm uất. Xung quanh quảng trường san sát những tiệm ăn, buôn bán, rạp chiếu bóng, chợ… khách ra vào tấp nập. Từ quảng trường có cầu bắc thẳng vào tầng 2 của chợ Đà Lạt, ngôi chợ 3 tầng lớn nhất Đà Lạt. Cách bờ hồ hơn 1km về phía Đông là ga xe lửa Đà Lạt, nằm im lìm, gợi trong lòng du khách về một thời dĩ vãng đã xa có những chuyến tàu xuôi ngược
Ngày 10/1/1977, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng ký quyết định số 26.QĐ-UB xác định: Trung tâm du lịch lấy trọng tâm là khu vực Hồ Xuân Hương.

Tháng 10 - 1984, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho nạo vét lại lòng hồ, gia cố móng của đập cầu Ông Đạo. Trong 6 tháng nước hồ được tháo cạn, đáy hồ được hàng vạn thanh niên của thành phố Hoa đổ mồ hôi, công sứ nạo vét nhằm làm đẹp thêm cho quê hương mình. Đây là lần chỉnh trang thứ 2 kể từ sau năm 1934, lúc kỹ sư Trần Đăng Khoa cho xây dựng cầu Ông Đạo. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn-Hoá Thông Tin và Thể Thao đã ra quyết định số 1288 công nhận Hồ Xuân Hương là 1 trong 464 thắng cảnh cấp quốc gia. Nhưng rồi, sau đó theo năm tháng, trước những tác động xấu của một số người một phần Hồ Xuân Hương đã bị bồi lấp làm giảm đi vẻ đẹp quyến rũ, nên thơ vốn  có. Vì vậy, công việc nạo vét Hồ Xuân Hương được chính thức khời công với tổng kinh phí lên tới 20 tỉ, trong đó ngoài vốn ngân sách nhà nước còn có sự đóng góp của ngươì dân thành phố lên đến 6 tỉ. Có thể nói đây là lần chỉnh trang lại Hồ Xuân Hương lớn nhất từ trước đến nay vì ngoài việc nạo vét, còn phải xây dựng thêm hồ lắng phía thượng lưu và xây kè đá chống sụp lở xung quanh hồ. Sau hơn 3 tháng thi công, chủ yếu bằng cơ giới với việc nạo vét lòng hồ trên 1 triệu m3 đất, gia cố lại móng, các cống thoát nước của cầu Ông Đạo, xây bờ kè bằng đá chung quanh hồ, khôi phục lại các "cầu chữ Y" quanh bờ hồ, lát cỏ và cho xây dựng 4 hồ chống bồi lắng tại các dòng chảy chính trước khi vào hồ. Cuối tháng 9-1998 Hồ Xuân Hương được đóng nước, góp phần làm cho một thắng cảnh vốn đã đẹp nay còn đẹp hơn.
Thực tế, hơn trăm năm qua, hồ Xuân Hương đã gắn liền với cuộc sống người dân Đà Lạt, gắn liền với những thăng trầm, biến động của thành phố Hoa. Vào mùa nắng và những ngày đẹp trời, mặt hồ Xuân Hương xanh biếc, gợn sống lăn tăn. Những ngày mưa lớn, nước đỏ ngầu làm người ta chạnh nhớ đến Hồng Hà-Hà Nội. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Xuân Hương không giống với vẻ đẹp Hoàn Kiếm của kinh thành Thăng Long hay Tịnh Tâm của cố đô Huế. Nước hồ Hoàn Kiếm có màu xanh lục soi bóng tháp rùa, tháp Bút-ghi dấu ấn anh hùng của một giai thoại lịch sử dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm. Còn Tịnh Tâm ngát hương sen hình như lúc nào cũng thăng trầm và lặng lẻ như tính cách người dân xứ Huế. Còn hồ Xuân Hương lại có nét kiều diễm của phương Tây. Nước xanh soi bóng những cây Anh Đào rực hồng mỗi độ Xuân về, không e lệ ngại ngần, luôn bặt thiệp với khách trong nước cũng như ngoài nước. Có ai ngờ rằng cách đây 105 năm, đáy hồ còn là ruộng lúa của dân bản Langbi ang. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, hồ Xuân Hương lại tươi trẻ hơn, rực rỡ hơn bởi ngàn hoa Anh Đào đua nở và mặt hồ xanh trong như mây trời.
Hôm nay, hồ Xuân Hương vẫn còn in bóng khách sạn Palace-nơi đón tiếp đoàn đại biểu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đến dự hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946 và là nơi Bộ Chính Trị mở hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó còn là chứng nhân và niềm tự hào chính đáng của nhân dân các dân tộc thành phố Đà Lạt.
Hồ xuân hương không những là một thắng cảnh của đà lạt mà còn là niềm tự hào của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Đó còn là niềm cảm hứng bất tận cho biết bao thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam để sáng tác ra những áng văn, thơ tuyệt mỹ:
"Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liểu rung trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu"
(Đà Lạt Trăng Mờ-Hàn Mạc Tử)
"Hồ Xuân Hương mặt nước trầm tư
Thi nhân hỡi, có nhìn tôi không thấy
Hồ trong xanh, lòng sâu đến tận trời
Nghiêng mơ màng bao bóng thông trôi"
(Một Ngày Đà Lạt-Lâm Thị Mỹ Dạ)

Tin Tức - Các Chương Trình Tour